Phật giáo đồng hành cùng dân tộc phòng chống dịch Covid 19.

Kể từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 này, Sài Gòn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để tìm ra phương án dập dịch, tất cả cơ quan ban ngành các cấp đã không ngừng tổ chức những cuộc họp khẩn với những chính sách, chiến lược cấp thiết, các chỉ thị của Thủ tướng chính phủ không ngừng được áp dụng khắp các tỉnh thành. Đáng chú ý là chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Chính phủ về việc giãn cách xã hội nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây được xem là một phương án tối ưu để hạn chế sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng. Song, việc áp dụng chỉ thị đã gặp không ít khó khăn cả chính quyền lẫn người dân.
 
Bởi vì Việt Nam ta là một nước nông nghiệp, người dân quanh năm mưa nắng, lao động chân tay là chủ yếu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Thế nên, khá nhiều người bị mất việc, các hàng quán phải đóng cửa, chợ búa dừng hoạt động, nông sản không có đầu tiêu thụ…
 
Thấu hiểu được nổi khổ tâm của Chính phủ khi ban hành ra các chỉ thị cũng như những khó khăn mà nhân dân phải gánh chịu, Phật giáo đã kề vai sát cánh để san sẻ những trắc trở của Nhà nước và thiếu thốn của người dân theo phương châm: “Phật pháp bất ly thế gian pháp – Phật giáo không tách rời xã hội”. Thế là, chiếc smartphone của các thầy, các sư cô không ngừng hoạt động ngày lẫn đêm, các cuộc gọi vận động, kêu gọi ủng hộ nối tiếp nhau liên tục để tiếp sức cho người nghèo, người khó khăn, cho các khu bị phong tỏa, cách ly,…Và rồi chùa đã trở thành các “siêu thị rau”, những bếp ăn nghĩa tình ấm lòng của các chiến sĩ và của nhân dân.
 
Riêng, đối với Tịnh thất Bửu Ân tại phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, không phải là “siêu thị rau 0 đồng”, cũng không là những phần ăn nóng hổi vừa thổi vừa ăn mà đó đơn giản chỉ là những ly nước được pha chế để tặng các chiến sĩ: cà phê đá, cà phê sữa, trà đá đường…
 
Nhưng thú vị hơn cả, Sư cô Như Thuận và Sư cô Tâm Diệu còn tự tay mình chuẩn bị những món bánh ngọt mang đậm hương vị miền Tây cho bữa sáng của các chiến sĩ như: bánh lá chuối, bánh bò hấp, xôi vị, bánh tiêu, khoai lang nấu,… Đều đặn mỗi ngày, cứ 3 giờ sáng chuông đồng hồ reo, cả hai cô mỗi người một việc bắt tay vào làm đến 5 giờ 30 phút sáng thì chu toàn hết tất cả các phần điểm tâm sáng. Khi hay tin chốt An Bình B, các chiến sĩ thiếu cà phê, trà buổi sáng, Sư cô liền cho gửi những món quà để tiếp thêm nghị lực cho chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ cao cả được giao.
 
Những việc làm tuy nhỏ nhưng đã gửi trọn hết sự yêu thương và kỳ vọng vào các chiến sĩ vì một ngày mai tươi sáng của nhân loại. Đồng thời, nó cũng đã nói lên được tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng đẩy lùi dịch bệnh của Phật giáo và Chính quyền. Như việc Trung ương Giáo hội Phật giáo ra công văn tạm ngừng các hoạt động, sinh hoạt, các khóa tu,… để phối hợp cùng với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đó là việc làm tất yếu và hiển nhiên mà Phật giáo cần đồng hành với dân tộc để đem lại đời sống an bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân loại.
 
Tóm lại, đoàn kết là yếu tố làm nên sức mạnh, là điều kiện tiên quyết mang ý chí của sự sống còn, tồn tại và phát triển của một tập thể, một dân tộc. Mỗi người đều tự giác chấp hành các điều luật, chỉ thị, công văn,… đã ban hành, tuân thủ theo khuyến cáo 5k của Bộ y tê “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”, cùng nhau đoàn kết lại đồng lòng nhất chí tạo thành khối sức mạnh thì lo gì không diệt trừ được “giặc Covid”! Đúng với câu: “Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức.”
Tất cả cùng nhau cố lên nhé!!!
Thích Nữ Tâm Diệu (TP. Hồng Ngự, Đồng Tháp)
 
 
 
 

Chương trình TRUYỀN HÌNH

Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp

Báo Đồng Tháp

Cuộc thi chính luận

VOH

Thông tin cần biết